Hậu trường Hà Nội 12 ngày đêm

Kỹ xảo

Đội ngũ viết kịch bản khá hùng hậu gồm Thiên Phúc, Hồ Phương, Hữu Mai, Chu LaiNguyễn Thị Hồng Ngát đã xây dựng một bản anh hùng ca đan xen những tình tiết lãng mạn trữ tình. Đây là bộ phim truyện đầu tiên của Việt Nam được đầu tư lớn với những cảnh quay sử dụng kỹ xảo vi tính, âm thanh vòm lập thể, tạo hiệu quả hoành tráng.

Tuy có kinh phí đầu tư khá lớn và làm hậu kỳ ở Úc nhưng khi được công chiếu phim Hà Nội 12 ngày đêm vẫn bị chê là kỹ xảo cháy nổ còn giả tạo 12 phút kỹ xảo cảnh máy bay B-52 cháy trên bầu trời Hà Nội có hiệu quả không được như mong muốn, những người làm phim thêm một lần thất vọng vì đã trót "ném tiền qua cửa sổ".[2]

Có kinh phí 7 tỷ, bộ phim này mang một tham vọng to lớn là thể hiện lại trận "Điện Biên Phủ trên không" một cách hoành tráng nhưng bộ phim được quảng cáo là "chân thực, hoành tráng, xúc động" này chỉ được chiếu vài buổi lấy lệ và biến mất khỏi các rạp như máy bay B-52 biến mất khỏi bầu trời Hà Nội. Phim không để lại ấn tượng nào về mọi mặt từ nội dung đến hiệu quả hình ảnh trong khi vài ba cảnh kỹ xảo cháy nổ thô vụng như trò chơi điện tử cũng không thể cứu vớt cho một cốt truyện cũ mèm với lối thể hiện sáo mòn.

Bùi Đình Hạc cho rằng:

"Hà Nội 12 ngày đêm là bộ phim đầu tiên của Việt Nam cần làm kỹ xảo vi tính. Đầu năm 1999, Hội đồng liên Bộ đồng ý cấp kinh phí cho Viện kỹ thuật mua máy quay Silicon Graphic để phục vụ làm kỹ xảo. Nhưng cuối năm đó, Viện kỹ thuật trả lời Bộ là không làm được. Nhân chuyến thăm của Đoàn điện ảnh Trung Quốc tại Việt Nam, Hãng phim truyện Việt Nam cử tôi sang Trung Quốc tìm cơ sở làm kỹ xảo. Nhưng Hãng phim Thượng Hải đòi cái giá cao ngất, hơn 2 tỷ đồng nên tôi từ chối. Sau đó, đoàn làm phim nhờ một số bạn bè giới thiệu với Trường điện ảnh Úc. Ông hiệu trưởng của trường rất nhiệt tình giúp đỡ, với tiêu chí "toàn bộ tiền sử dụng máy móc nhà trường sẽ miễn phí, phía Việt Nam chỉ phải trả 600 triệu đồng cho các cán bộ làm kỹ thuật và trong thời điểm cách đây dăm bảy năm, khi Việt Nam còn chưa xuất hiện đơn vị có khả năng làm kỹ xảo nào, tôi đành chọn giải pháp này."

Khởi quay từ năm 1997, đến tháng 4 năm 1999 thì xong tất cả các cảnh ở Việt Nam, nhưng phải chờ làm kỹ xảo vi tính và âm thanh nên phải đến năm 2002 mới ra mắt. Đạo diễn Bùi Đình Hạc xúc động nói: "Để làm được phim này, chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn. Để diễn tả lại cuộc chiến đấu giữa MiG-21 và B-52 thì phải có các cảnh quay trên không. Bối cảnh phim lớn như vậy không thể không quay kỹ xảo vi tính. Chỉ có 3 phút 38 giây kỹ xảo cảnh máy bay B-52 dàn trận đánh phá Hà Nội đã ngốn hết 620 triệu đồng !".

Diễn viên

Ngoài dàn diễn viên chính như Chiều Xuân, Quốc Tuấn, Xuân Tùng, Mai Thu Huyền, Hoàng Nhật Mai, các nghệ sĩ trái nghề như nhà văn Kim Lân, nhạc sĩ Phó Đức Phương cũng tham gia diễn xuất. Trên nền chiến tranh khốc liệt, xen giữa những sự kiện lịch sử nóng bỏng là hình ảnh Hà Nội thanh bình giữa giai điệu Suối mơ của cố nhạc sĩ Văn Cao, giữa những cuộc chuyện trò của giới nghệ sĩ trong quán cà phê Lâm nổi tiếng. Chỉ giây lát sau là cảnh đoàn máy bay B-52 mang theo hàng nghìn tấn bom lao xuống như muốn xé nát bầu trời đêm Hà Nội. Những con người bình dị, kiên cường như tiểu đoàn trưởng tên lửa Đặng Nhân, phi công Trần Đại, chỉ huy pháo cao xạ bảo vệ cầu Long Biên Nguyễn Thắng, nữ ký giả Ngân Hà và nữ bác sĩ Thủy Tiên... đã bỏ lại sau lưng những tình cảm riêng tư, những đau thương mất mát để dốc mình cho cuộc chiến đấu.

Tuy nhiên, bộ phim vẫn còn một số tình tiết chưa đạt, kết cấu của phim còn rời rạc, cứng nhắc. Đạo diễn đã quên giới thiệu mối quan hệ của các nhân vật chính trong phim, mà khán giả chỉ thấy họ lo lắng, cười nói, trao đổi với nhau. Có những cảnh quay thừa như đoạn nhà báo Ngân Hà và bác sĩ Thủy Tiên cùng ngắm hoa lan, cảnh anh chỉ huy pháo cao xạ cùng người yêu dạo chơi bên sông Hồng... Chưa kể có những tình tiết làm không kỹ gây phản cảm như trong không khí tưng bừng khi ta vừa bắn rơi một B-52 thì lại có một giọng nam ẻo lả reo lên: "Bắn trúng rồi, thật mà...", hay trong không khí trang nghiêm của buổi lễ Noel năm 1972 lại vang lên một giọng cha xứ não nuột... Phim dài gấp rưỡi những bộ phim bình thường nên tạo cảm giác nặng nề cho người xem.

Dù sao, Hà Nội 12 ngày đêm là một trong những bộ phim được sản xuất công phu và cũng có bề dày thành tích đáng kể. Năm 2002, bộ phim đã đoạt Giải khuyến khích của Hội Điện ảnh Việt Nam dành cho kịch bản phim truyện xuất sắc nhất (tức là trước cả khi đóng máy).

Năm 2003, bộ phim đã được giới thiệu tại nhiều Liên hoan phim có uy tín như LHP Fukuoka - Nhật Bản (đây là lần đầu tiên Hà Nội 12 ngày đêm được trình chiếu ở nước ngoài), LHP châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 48 tại Iran và LHP Quốc tế Cairo lần thứ 27. Đây cũng là một trong những lý do Cục Điện ảnh quyết định gửi bộ phim này tham dự LHP Các nước không liên kết.